Chất thải rắn bao gồm mọi loại chất thải không sử dụng được hoặc không còn giá trị trong quá trình sản xuất hoặc sử dụng hàng ngày của con người. Trước thực trạng ô nhiễm chất thải rắn như hiện nay, rất nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm đã được áp dụng. Vậy những biện pháp đó là gì, cùng Đông Á trả lời nhé.
Chất thải rắn là gì?
Một số loại chất thải rắn
Theo khoản 18, 19 Điều 3 của Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn được định nghĩa như sau:
– Chất thải là vật chất tồn tại ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác.
– Chất thải rắn là chất thải ở thể bùn thải hoặc rắn.
Tức là chất thải rắn bao gồm các loại chất thải như rác thải gia đình, rác thải công nghiệp và cả các loại chất thải độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, các chất phóng xạ,…
Vậy chất thải rắn gồm những gì?
Theo Luật Bảo vệ môi trường, chất thải rắn bao gồm các loại sau:
Chất thải rắn sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt là gì? Chất thải rắn bao gồm các loại rác từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày như hộp giấy, chai nhựa, túi nilon, thức ăn thừa và các vật dụng mà gia đình không còn sử dụng được.
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành các loại sau đây:
- Chất thải thực phẩm.
- Chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chất thải rắn công nghiệp
Loại này bao gồm các loại chất thải từ quá trình sản xuất, xử lý trong các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo khoản 1 Điều 81 của Luật này, chất thải rắn công nghiệp được phân thành các nhóm sau:
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.
- Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường yêu cầu phải xử lý.
Chất thải rắn y tế
Chất thải rắn y tế gây nguy hại cho môi trường
Bao gồm các loại chất thải đến từ các cơ sở y tế như phòng khám, bệnh viện, ví dụ như kim tiêm, băng, gạc y tế và các loại chất thải y tế khác.
Chất thải rắn nguy hại
Bao gồm các loại chất thải có thể gây hại đến sức khỏe con người và môi trường, ví dụ như các hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, pin, dầu cũ và các loại chất phóng xạ.
Nguyên nhân ô nhiễm chất thải rắn là gì
Vấn đề ô nhiễm chất thải rắn là một sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Tăng dân số và tăng lượng tiêu dùng: Sự gia tăng dân số và lượng tiêu dùng dẫn đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa diễn ra theo quy mô lớn, từ đó tạo ra một lượng lớn chất thải rắn.
- Thay đổi trong mô hình sản xuất: Sự phát triển của nền kinh tế hiện đại cũng đồng nghĩa với việc sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm đóng gói và dùng một lần. Điều này đã làm gia tăng các loại bao bì nhựa đến từ các sản phẩm điện tử, khiến lượng chất thải rắn tăng lên và gây ra nhiều vấn đề về môi trường.
- Hạn chế trong công nghệ xử lý: Mặc dù công nghệ xử lý chất thải đã phát triển nhưng nhiều khu vực vẫn đang áp dụng các phương pháp không an toàn hoặc không hiệu quả, khiến cho môi trường bị ô nhiễm.
- Thói quen tiêu dùng không bền vững như dùng đồ một lần xong vất đi, mua hàng hóa được sản xuất từ quá trình gây hại môi trường cũng góp phần vào việc tăng lượng chất thải rắn.
- Việc quản lý phân loại, xử lý rác thải không hiệu quả cũng khiến vấn đề ô nhiễm tăng lên.
- Sự phát triển của các ngành công nghiệp như hóa chất, dầu khí và sản xuất điện tử cũng góp phần vào việc tạo ra lượng lớn chất thải rắn độc hại.
Hậu quả ô nhiễm chất thải rắn đối với con người, môi trường và kinh tế xã hội
Hậu quả của ô nhiễm chất thải rắn có thể rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Cụ thể là:
Gây hại cho sức khỏe con người
Ô nhiễm chất thải rắn gây ra nhiều bệnh cho con người
Chất thải rắn, đặc biệt là các chất thải độc hại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như các bệnh về hô hấp, ung thư, bệnh về thần kinh,…. Những người làm việc trực tiếp chất thải rắn như xử lý chất thải thường có nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe, bởi lẽ họ là người tiếp xúc với chất thải độc hại.
Ô nhiễm môi trường
Chất thải rắn có thể gây ra ô nhiễm đất, nước và không khí. Các chất độc hại từ chất thải rắn có thể thấm vào đất và nước ngầm khiến chúng bị ô nhiễm, hoặc bay hơi lên bầu không khí khiến không khí mất đi sự an toàn.
Ảnh hưởng tới môi trường không khí
Trong thành phần rác thải của các hộ gia đình thì các loại thực phẩm thường chiếm tỷ lệ cao. Khi thời tiết nóng ẩm, có mưa, những thành phần này sẽ nhanh chóng bị phân huỷ, từ đó thúc đẩy quá trình lên men, thối rữa và tạo ra mùi khó chịu cho con người. Các khí thải phát ra từ quá trình này thường là NH3, H2S, CH4, SO2, CO2.
Ảnh hưởng tới môi trường nước
Nhiều người có thói quen vứt rác ra sông, hồ, ao, cống rãnh. Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến nguồn nước mặt và nước ngầm trong khu vực. Rác cũng có thể bị cuốn trôi theo nước mưa xuống ao, hồ, sông, ngòi, kênh rạch và làm nguồn nước mặt ở đây bị nhiễm bẩn.
Lâu dần, những đống rác này sẽ khiến diện tích ao hồ bị ảo đi, đồng thời khả năng tự làm sạch của nước cũng bị giảm, gây cản trở dòng chảy và làm tắc cống rãnh thoát nước. Hậu quả là hệ sinh thái nước trong các nước bị ảnh hưởng xấu, thậm chí là bị huỷ diệt. Việc ô nhiễm các nguồn nước mặt cũng là một trong những nguyên nhân gây các bệnh về đường tiêu hóa cho người, ví dụ như tiêu chảy, lỵ trực khuẩn thương hàn, tả, viêm da,… thậm chí là ung thư.
Ảnh hưởng tới môi trường đất
Môi trường đất bị ô nhiễm do chất thải rắn
Trong thành phần của chất thải rắn có chứa nhiều chất độc. Đặc biệt hiện nay, các loại túi nilon được sử dụng tràn lan trong cuộc sống thường ngày. Khi xâm nhập vào đất, những loại túi này cần đến 50 – 60 năm, thậm chí hàng trăm năm để phân hủy. Chúng đã tạo ra các “bức tường ngăn cách” trong đất và hạn chế quá trình phân huỷ, tổng hợp các chất dinh dưỡng, khiến cho đất giảm độ phì nhiêu, dễ bị chua. Kết quả là năng suất cây trồng bị giảm sút.
Suy giảm sự đa dạng sinh học
Khi được thải ra môi trường, chất độc hại trong chất thải rắn sẽ xâm nhập vào đất và tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất như giun, vi sinh vật, ếch nhái,… làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học, đồng thời sản sinh ra nhiều loại sâu bọ phá hoại cây trồng. Khi vào nước, chúng cũng giết chết nhiều loài sinh vật sống trong đó.
Khi đất và nước bị ô nhiễm, nhiều loài động, thực vật không thể sinh trưởng, sinh sản được. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học, gây ra sự mất cân bằng sinh thái, đặc biệt là trong các khu vực gần những địa điểm xử lý chất thải.
Ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội
Ô nhiễm chất thải rắn còn làm gia tăng các chi phí cho việc điều trị các vấn đề sức khỏe và phục hồi môi trường. Nó cũng có thể làm giảm giá trị của đất đai và tài nguyên du lịch trong các khu vực bị ô nhiễm.
Hơn nữa, sự ô nhiễm này còn có thể gây ra các vấn đề về xã hội như giảm chất lượng cuộc sống, tạo ra sự phân biệt và gây căng thẳng trong cộng đồng, đặc biệt là trong những khu vực nghèo và thiếu nguồn lực.
Một số biện pháp ô nhiễm chất thải rắn hiệu quả
Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm chất thải rắn, con người cần có các biện pháp giải quyết như tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các công nghệ xử lý tiên tiến và thúc đẩy thói quen tiêu dùng bền vững. Cụ thể như sau:
- Tái chế, tái sử dụng: Tái chế và tái sử dụng các loại chất thải một cách hợp lý là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu lượng chất thải rắn. Bạn có thể tự phân loại chất thải ở nhà để tái chế, còn các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm có thể thúc đẩy các chương trình tái chế, tái sử dụng thông qua các chính sách và chiến dịch giáo dục.
- Giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm dùng một lần: Việc giảm sử dụng các sản phẩm dùng một lần như túi nhựa, chai nhựa, đồ đóng gói cũng giúp làm giảm đáng kể lượng chất thải rắn.
- Xây dựng các chính sách và quy định nghiêm ngặt: Chính phủ cần áp dụng các quy định nghiêm ngặt về xử lý và loại bỏ chất thải rắn, đồng thời thúc đẩy các phương pháp xử lý rác thân thiện với môi trường, an toàn và hiện đại.
Xử lý chất thải rắn đúng cách
- Khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường: Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc này bắt đầu từ việc sử dụng nguyên liệu tái chế đến việc thiết kế sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc có thể phân hủy sinh học.
- Giáo dục và tăng cường nhận thức cho người dân: Các chương trình giáo dục, tăng cường nhận thức về ô nhiễm chất thải rắn có thể giúp cải thiện thói quen tiêu dùng, đồng thời tạo ra sự nhận thức đầy đủ về tác động của ô nhiễm chất thải rắn đến môi trường và sức khỏe con người.
- Khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý: Đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển các công nghệ xử lý chất thải hiệu quả, thân thiện với môi trường có thể giúp giảm bớt tác động của các chất thải rắn đến môi trường.
Việc quản lý chất thải rắn là một yếu tố quan trong trong bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Kết hợp các biện pháp này lại với nhau có thể tạo ra những tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn và bảo vệ môi trường.