Chỉ số TDS là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ sạch an toàn của nước. Nếu bạn đang quan tâm đến chỉ số này và muốn tìm hiểu chi tiết hơn về nó, bạn hãy dành ít phút và đón đọc nội dung bài viết về chỉ số TDS của chúng tôi nhé.
Khái niệm chỉ số TDS
Chỉ số TDS là chỉ số được sử dụng để đo lượng các chất hòa tan trong nước. TDS là viết tắt của từ tiếng Anh “Total Dissolved Solids” (tổng số chất rắn hòa tan), đo lường tổng số các chất hòa tan có trong một dung dịch nước. Đơn vị của TDS thường là milligrams per liter (mg/l) hoặc parts per million (ppm), trong đó 1 mg/l = 1 ppm.
Chỉ số TDS của nước
Tại sao cần phải đo lường chỉ số TDS của nước
Việc đo lường chỉ số TDS nước sinh hoạt và nước uống là quan trọng vì nó cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng nước, từ đó giúp người dùng đưa ra được quyết định sử dụng phù hợp. Dưới đây là một số lý do mà bạn cần phải đo lường chỉ số TDS:
- Đánh giá chất lượng nước: Đo lường chỉ số TDS giúp xác định được mức độ đa dạng của các chất có trong nước, từ đó đánh giá chất lượng tổng thể của nước.
- Kiểm tra độ an toàn cho sức khỏe: Chỉ số TDS cao chính là một sự khẳng định cho sự hiện diện của các chất không mong muốn trong nước như vi sinh vật, kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác. Việc đo lường chỉ số này có thể giúp xác định được việc nước có an toàn để ăn uống hoặc sinh hoạt không.
- Phù hợp cho mục đích sử dụng: Mức độ TDS cũng quyết định đến tính phù hợp của nước cho các mục đích sử dụng như uống, nấu ăn, sinh hoạt hoặc dùng trong công nghiệp,… Nước có mức độ TDS thấp thường được dùng cho việc uống và nấu ăn, trong khi nước có mức TDS cao hơn thường dùng cho mục đích công nghiệp.
- Theo dõi hiệu suất của hệ thống xử lý nước: Đo lường TDS giúp theo dõi hiệu suất của hệ thống xử lý nước như máy lọc RO, Nano, UF,…. Nó cung cấp thông tin về mức độ loại bỏ các chất rắn hòa tan trong quá trình xử lý nước.
Các chất ảnh hưởng đến chỉ số TDS có trong nước
Các chất ảnh hưởng đến TDS
Các chất ảnh hưởng đến chỉ số TDS trong nước có thể bao gồm:
- Khoáng chất: Bao gồm các khoáng như canxi, kali, natri, magie.
- Muối: Các muối như clorua, nitrat, sulfat, carbonate có thể hòa tan trong nước.
- Chất hữu cơ tan trong nước: Các chất hữu cơ có thể tan trong nước như axit hữu cơ, các chất hữu cơ phân hủy từ cây cỏ và từ hoạt động của con người như chất thải, chất phân hủy vật liệu hữu cơ,…
- Các chất ô nhiễm: Các loại hóa chất dùng trong công nghiệp và nông nghiệp.
Ý nghĩa của các mức chỉ số TDS
Theo các quy định hiện hành của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ US EPA và Việt Nam thì:
- Từ 5 ppm trở xuống: Nước được xem như là nước tinh khiết, không chứa chất rắn hoà tan. Nguồn nước này chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp nước sạch cho cơ thể mà không bổ sung khoáng chất.
- Chỉ số TDS càng lớn thì nồng độ các chất rắn hoà tan trong nước càng nhiều. TDS từ 400 – 500 ppm trở lên thì nước ô nhiễm, tuyệt đối không được sử dụng. Tuy nhiên vì trong tổng số các chất rắn có trong nước có cả chất rắn có lợi và có hại nên không phải TDS càng cao thì càng có hại.
- Nếu trong 1 lít nước có 170ppm Ca2+ và Mg2+ thì nước đó được gọi là nước cứng. Nếu độ cứng không vượt quá 300mg/l, người dùng vẫn có thể dùng trong sinh hoạt được.
Ý nghĩa của chỉ số TDS
Chỉ số TDS bao nhiêu thì uống được?
Không có một mức chỉ số TDS cụ thể nào mà mọi người đồng ý là “uống được” hay “không uống được”, bởi lẽ sự phù hợp của mức độ TDS trong nước uống phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả sức khỏe và sở thích cá nhân.
Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn và khuyến nghị của WHO và Cục Kiểm soát Dịch tễ Hoa Kỳ (CDC), nước uống có mức độ TDS dưới 500 mg/l (hoặc ppm) thì sẽ được coi là an toàn cho sức khỏe. Nước có TDS trong khoảng 500 – 1000 mg/l có thể vẫn an toàn uống, nhưng một số người có thể cảm thấy không thích hương vị hoặc cảm thấy nước “cứng”. Nếu TDS trên 1000 mg/l, nước sẽ có hương vị khó chịu và không nên uống lâu dài.
Tuy nhiên, một số loại nước có chỉ số TDS cao hơn có thể được coi là an toàn nếu uống trong một thời gian ngắn hoặc trong các tình huống cụ thể. Tuy nhiên nó không phù hợp để uống hàng ngày. Điều quan trọng là bạn phải kiểm tra nguồn nước và tìm hiểu các yếu tố khác như thành phần hóa học, vi sinh vật, các chất ô nhiễm khác. Nếu bạn cảm thấy lo ngại nào về chất lượng nước, hãy sử dụng các phương pháp xử lý nước như lọc hoặc đun sôi để làm sạch nước trước khi uống.
Chỉ số TDS của nước RO là bao nhiêu?
Hệ thống lọc RO là một hệ thống xử lý nước hiệu quả, giúp loại bỏ hầu hết các loại chất rắn hòa tan và các chất hữu cơ có trong nước, bao gồm cả khoáng chất và các chất ô nhiễm. Vậy nên nước RO thường có chỉ số TDS thấp, gần như là nước tinh khiết.
Cụ thể thì chỉ số TDS của nước RO thường nằm trong khoảng từ 10 – 50 mg/l (hoặc ppm).
Cách kiểm tra chỉ số TDS của nước
Để kiểm tra chỉ số TDS trong nước, bạn có thể sử dụng một số phương pháp sau:
Dùng bút thử điện chỉ số TDS
Kiểm tra TDS bằng bút thử điện
Loại bút này có bán sẵn trên thị trường với giá phải chăng và dễ sử dụng. Bút hoặt động theo nguyên lý là dựa vào độ dẫn điện của nguồn nước để xác định hàm lượng ion chất rắn và khoáng chất, kim loại có trong nước. Bạn chỉ cần đưa điện cực hoặc cảm biến của bút vào nước, sau đó đợi một thời gian và đọc kết quả trên màn hình. Các loại bút này thường cung cấp kết quả theo đơn vị ppm (parts per million) hoặc mg/l (milligrams per liter).
Kiểm tra bằng bút điện phân
Bút điện phân hoạt động với 2 điện cực bằng nhôm, 2 điện cực bằng sắt. Nếu sử dụng bút bằng điện lưới (220V xoay chiều) thì hiệu điện thế một chiều giữa cực nhôm và sắt là 220V. Khi điện phân nước, mỗi cặp điện cực sẽ được nhúng vào một ly.
Dựa theo màu sắc trên bút, bạn có thể thấy một số chất rắn hòa tan và ion kim loại có trong nước như:
- Màu nâu đỏ và có váng: Có nhiều ion Fe2+, Fe3+,…
- Màu xanh lơ và có vẩn kết tủa: Nhiều Cu2+,…
- Màu nâu đen: Chứa Mn2+,…
- Màu xám nhạt: Chứa Pb2+, Hg,…
- Chỉ sủi bọt, không có kết tủa và không vẩn đục: Nước tinh khiết.
- Chỉ sủi bọt và có kết tủa trắng: Chứa Ca2+, Ag+,…
Gửi mẫu nước đến phòng thí nghiệm
Nếu bạn muốn có kết quả chính xác và đáng tin cậy, bạn có thể gửi mẫu nước nhà mình đến một phòng thí nghiệm chuyên nghiệp để kiểm tra TDS. Phương pháp này thường sẽ mất thời gian và có thể sẽ tốn kém hơn các phương pháp kiểm tra tự làm.
Việc chọn phương pháp kiểm tra TDS nào sẽ phụ thuộc vào sự thuận tiện, ngân sách và mức độ chính xác mà bạn mong muốn.
Một số giải pháp giúp cải thiện chỉ số TDS có trong nước
Để cải thiện chỉ số TDS của nước, bạn có thể thực hiện thông qua một số biện pháp sau đây:
Sử dụng hệ thống lọc nước
Giảm TDS bằng cách sử dụng hệ thống lọc nước
Sử dụng hệ thống lọc nước là một cách hiệu quả để loại bỏ các chất rắn hòa tan khỏi nước, từ đó cải thiện chỉ số TDS. Hệ thống lọc nước có thể loại bỏ hầu hết các khoáng chất, chất hữu cơ không mong muốn từ nguồn nước ban đầu. Dưới đây là một số loại hệ thống lọc nước phổ biến và cách mà chúng giúp giảm chỉ số TDS xuống:
Hệ thống lọc ion cation
Hệ thống lọc này sử dụng hạt nhựa chứa các ion dương để loại bỏ các ion âm như canxi, natri, magie ra khỏi nước. Các hạt nhựa này sẽ hoạt động như một nam châm và hút các ion âm, sau đó giữ chúng lại. Nhờ đó mà nước sau khi lọc có chỉ số TDS thấp hơn.
Hệ thống lọc UF (Ultrafiltration)
Tuy hệ thống lọc UF thường được sử dụng để loại bỏ các vi khuẩn, vi sinh vật nhưng nó cũng có thể loại bỏ được một số chất hữu cơ hoặc chất rắn hòa tan có kích thước nhỏ. Mặc dù hiệu suất lọc TDS của UF không cao như hệ thống lọc RO nhưng nó vẫn có thể tạo ra được nguồn nước có chỉ số TDS thấp hơn mức ban đầu.
Hệ thống lọc than hoạt tính
Tuy lọc than hoạt tính thường được sử dụng để loại bỏ các chất hữu cơ từ nước, nhưng nó cũng có thể loại bỏ được một số khoáng chất và chất rắn hòa tan khác. Cũng như hệ thống lọc UF, hiệu suất lọc TDS của than hoạt tính không cao như RO nhưng nó vẫn có thể giúp làm giảm mức độ TDS trong nước.
Hệ thống lọc RO (Reverse Osmosis)
Hệ thống lọc RO sử dụng màng lọc RO với kích thước lỗ lọc trên màng là siêu nhỏ, giúp loại bỏ gần như hoàn toàn các chất rắn hòa tan ra khỏi nước. Cụ thể thì có tới 99,9% các chất rắn hòa tan, bao gồm cả khoáng chất và các chất hữu cơ đã bị loại bỏ.
Nước được bơm tăng áp ép qua màng lọc. Lúc này, các phân tử nước được đẩy qua màng trong khi các chất rắn hòa tan bị giữ lại trên màng. Kết quả là nước sau khi đi ra khỏi hệ thống lọc RO trở nên tinh khiết.
Sử dụng nước mưa
Trong một số trường hợp, nước mưa có thể có chỉ số TDS thấp hơn so với nước từ các nguồn khác như nước mặt, nước giếng khoan hoặc nước máy. Bởi lẽ nước mưa thường chỉ chứa bụi trong không khí, còn các loại nước khác có thể chứa nhiều loại hóa chất độc hại, cặn bẩn, muối khoáng,…
Định kỳ bảo dưỡng và vệ sinh hệ thống cấp nước
Một cách để giảm TDS trong nước mà nhiều người không nghĩ tới, đó chính là định kỳ bảo dưỡng định kỳ và vệ sinh hệ thống cấp nước sạch sẽ. Bởi lẽ sau một thời gian hoạt động, các chất bẩn có thể tích tụ lại trên hệ thống này, khiến nước trở nên bẩn hơn.
Việc lựa chọn giải pháp giảm chỉ số TDS của nước nào sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu dùng nước của từng người. Vậy nên bạn hãy cân nhắc trước khi đưa quyết định. Nếu có điều kiện, hãy sử dụng hệ thống lọc nước bạn nhé.