Thị trường xút – clo toàn cầu đã đạt giá trị 58 tỷ USD vào năm 2016 và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 2,9%/năm, đạt giá trị 65 tỷ USD vào năm 2020.
Trong các thị trường xút – clo khu vực, châu á – Thái Bình Dương và cụ thể Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ chiếm 58% nhu cầu toàn cầu vào năm 2020 và sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 3.6%/năm. Những thị trường lớn tiếp theo là Bắc Mỹ và châu Âu với giá trị 10 tỷ USD và 7,5 tỷ USD tương ứng. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường Bắc Mỹ ước tính sẽ đạt khoảng 3,0%/ năm, trong khi đó thị trường châu Âu sẽ chỉ đạt khoảng 0,3%/ năm.
Sản xuất xút – clo là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, vì vậy năng lượng là động lực chủ yếu đối với lợi nhuận của quá trình sản xuất này. Hơn nữa, việc vận chuyển và lưu trữ clo thường rất tốn kém, nên việc sản xuất gần nơi tiêu thụ là yếu tố quan trọng để tăng tối đa lợi nhuận.
Trong thời gian 2010-2014, một số dự án mở rộng công suất xút – clo đã được thực hiện trên thế giới, phần lớn là ở Trung Quốc. Sự gia tăng công suất như vậy đã làm giảm tỷ lệ vận hành công suất xuống dưới mức bền vững về mặt kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới nhu cầu xút – clo được dự báo sẽ duy trì ở mức lành mạnh và quá trình gia tăng công suất sẽ giảm đi, vì vậy tỷ lệ vận hành công suất sẽ tăng đến những mức hấp dẫn, đảm bảo lợi nhuận cho các nhà sản xuất.
Ngày nay, sản xuất xút – clo là lĩnh vực sản xuất có mức độ hấp dẫn vừa phải nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình 2,9%/ năm, quy mô thị trường lớn và triển vọng sẽ quay lại với những mức lợi nhuận hấp dẫn. Những khu vực có nguồn điện giá rẻ và gần nơi tiêu thụ vẫn là những khu vực hấp dẫn nhất đối với các nhà sản xuất.
Các nước châu Á với nguồn điện rẻ và các ngành sản xuất công nghiệp ổn định và nhu cầu tiêu thụ xút – clo lớn hiện đang là khu vực hấp dẫn nhất đối với sản xuất xút -clo. Châu Á hiện có thị trường xút – clo quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao. Trong khi đó, cơ hội cho sản xuất xút – clo tại Bắc Mỹ và châu Âu bị cản trở bởi tốc độ tăng trưởng nhu cầu thấp, còn thị trường Nam Mỹ và Trung Đông, châu Phi tương đối nhỏ.
Những nước châu Á có cơ hội hấp dẫn đối với các nhà sản xuất xút – clo gồm có Nhật Bản, ấn Độ, Singapo, Hàn Quốc. Khi đánh giá cơ hội đầu tư, khả năng tiếp cận nguồn điện giá rẻ và vị trí địa lý gần các thị trường tiêu thụ vẫn là những yếu tố quan trọng nhất.
Ngành sản xuất xút – clo châu Âu đang tiến tới việc loại bỏ công nghệ thủy ngân và màng ngăn để sản xuất xút. EU đang có kế hoạch đóng cửa các nhà máy sử dụng thủy ngân với tổng công suất 3 triệu tấn vào cuối năm 2017 và các nhà máy sử dụng công nghệ màng ngăn với tổng công suất 1,6 triệu tấn. Tổng cộng, các nhà máy này chiếm 39% công suất xút – clo của khu vực. Kế hoạch chấm dứt dần sản xuất tại những nhà máy như trên đang tạo ra cơ hội cho các nhà chế tạo thiết bị sản xuất xút – clo của Trung Quốc.
Là một nền kinh tế phát triển nhanh, tiêu thụ xút – clo tại Ấn Độ đang tăng mạnh. Ấn Độ hiện nhập hơn 500.000 tấn xút và hơn 1 triệu tấn PVC hàng năm, ngoài ra cũng nhập nhiều hóa chất chứa clo. Vì vậy, đây là cơ hội tiềm năng lớn để Trung Quốc hợp tác với ngành sản xuất xút – clo của Ấn Độ. Nhưng hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với những quyết định trừng phạt do bán phá giá PVC vào Ấn Độ, hậu quả là xuất khẩu PVC của Trung Quốc vào Ấn Độ đang giảm. Việc loại bỏ những hàng rào thuế quan như vậy sẽ có lợi cho cả hai nước khi xây dựng ngành sản xuất xút – clo và trong các hoạt động thương mại liên quan đến những sản phẩm này. Ấn Độ đang quan tâm đến việc phát triển các hóa chất sử dụng clo, trong khi đó Trung Quốc đã có ngành sản xuất PVC phát triển chín muồi cũng như các công nghệ xút – clo khác và quan tâm đến việc mở rộng hợp tác ngoài phạm vi thương mại với Ấn Độ, cụ thể là đầu tư mở rộng công suất và dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất xút – clo.
Ngoài ra, do Nga đang có kế hoạch mở rộng công suất xút – clo lên thêm hơn 1 triệu tấn, các nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc có thể cung cấp cho các nhà sản xuất Nga những giải pháp trọn gói cho các nhà máy xút-clo và các sản phẩm cuối dòng tiêu thụ clo.
Khu vực Tân Cương của Trung Quốc hiện là một trong những trung tâm sản xuất xút – clo hàng đầu của nước này. Đây cũng là khu vực nằm gần các nước Trung Á. Các công ty Trung Quốc như Tianye và Zhongtai đang có những địa điểm sản xuất xút – clo hiện đại ở Tân Cương và có vị thế thuận lợi để hợp tác với các nhà sản xuất xút – clo ở các nước Trung Á.
Khu vực Đông Nam Á hiện đang có nhu cầu tiềm năng lớn đối với các sản phẩm xút – clo, trong khi đó Trung Quốc là nước xuất khẩu quy mô lớn đối với PVC, xút và hóa chất có chứa clo sang những nước trong khu vực này. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại hiện tại với tiêu điểm là các kế hoạch đầu tư vào các hoạt động sản xuất và thương mại xút – clo ở những nước Đông Nam Á.