Nhập nhằng khái niệm tiền chất, hóa chất – gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý

 

Dù mới có hiệu lực từ 15.11.2017 nhưng “Nghị định 113/2017/ND-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất” đã gây khó cho không chỉ doanh nghiệp (DN) mà ngay cả cơ quan quản lý.

 

 


Chồng lấn, mâu thuẫn

 Khoản 1, Điều 13 Nghị định 113/2017 quy định các trường hợp được miễn trừ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.

Khoản 1, Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn trừ giấy phép xuất nhập khẩu (XNK) tiền chất gồm hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật liên quan như Luật Phòng chống ma túy, Nghị định 82/2013/NĐ-CP và Thông tư 42/2013/TT-BCT… mới chỉ dừng lại ở quy định các tiêu chí nhận biết một tiền chất với việc định danh các nguyên tố hóa học và mã tra cứu thuế. Như vậy, khái niệm hàng hóa tiền chất chưa được định danh trong các văn bản pháp quy liên quan. Trong khi đó, có rất nhiều mặt hàng chứa tiền chất, ví dụ: Axit Clohydric – HCL, Axit Sulfuric có trong bình ắc quy chì; Axit aminobenzoic thường có trong các sản phẩm chống nắng; Safrol hay safrole từng được sử dụng rộng rãi như là một loại phụ gia thực phẩm trong root beer, trà xá xị và nhiều mặt hàng thông thường khác. Chính vì không thuộc danh mục quản lý bằng giấy phép nên theo quy định tại Điều 4 Nghị định 08/2015/NĐ-CP chỉ làm thủ tục bình thường tại các chi cục hải quan cửa khẩu.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về phân loại hàng hóa thì mỗi hàng hóa chỉ có một mã duy nhất làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Nếu thực hiện theo Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP sẽ dẫn đến một hàng hóa có mã số tính thuế và mã số áp dụng chính sách quản lý khác nhau. Chẳng hạn, mặt hàng sơn mã số thuế phân nhóm 3208, giấy phép quản lý theo mặt hàng Acetone (là thành phần có trong sơn) phân nhóm 2914.

hoa-chat-dong-a-phu-tho

Trên thực tế, do không có danh mục quản lý đối với hàng hóa chứa tiền chất và đa số hàng hóa chứa tiền chất không thể nhận biết bằng cảm quan hoặc các phương pháp thủ công đơn thuần nên sẽ dẫn đến việc yêu cầu phân tích giám định tràn lan gây phiền hà, tốn kém cho DN. Ví dụ để xác định lượng Acid sunfuric có trong bình ắc quy chì hoặc lượng Axit Acetic có trong dưa chuột muối phải tiến hành giám định. Từ thực tế này, Bộ Công thương cần có văn bản hướng dẫn theo hướng cụ thể, hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất mà phân loại vào mã số HS (mã số tính thuế) của tiền chất có tên chất, tên khoa học, mã CAS (mã số hóa học), công thức hóa học giống như mô tả tại Danh mục thì phải xin giấy phép nhập khẩu như tiền chất.


Thêm thủ tục

Một trong những vướng mắc được DN đề cập tới nhiều nhất là việc quy định không rõ mặt hàng phải áp dụng thủ tục xin giấy phép XNK và khai báo hóa chất đã dẫn đến tình trạng DN nhập khẩu các thành phẩm phục vụ tiêu dùng hay kinh doanh như mỹ phẩm, kem đánh răng, bình ắc quy, mực in, dưa chuột muối… (không phải hóa chất riêng biệt nhưng có thành phần hóa chất thuộc diện phải xin giấy phép hay khai báo hóa chất) thì đều phải đi xin các loại giấy tờ này từ Bộ Công thương.

Vì Nghị định không quy định rõ cách thức xác định hàm lượng hóa chất phải xin giấy phép XNK hay khai báo hóa chất như thế nào; việc cấp phép chỉ dựa vào hồ sơ do DN cung cấp hay cơ quan hải quan phải giám định để xác định thành phần và hàm lượng nên hiện một số chi cục hải quan đang yêu cầu DN phải giám định lô hàng nhập khẩu để xác định rõ thành phần, hàm lượng có đúng khai báo không mới cho thông quan, làm tăng thời gian thông quan và chi phí cho DN.
Trước đây theo Thông tư 06/2015/TT-BCT thì hóa chất mua bán, trao đổi trong lãnh thổ Việt Nam (bao gồm mua bán giữa nội địa với khu phi thuế quan, mua hàng của đối tác nước ngoài nhưng đối tác chỉ định nhận hàng từ người khác tại Việt Nam – gọi tắt là XNK tại chỗ) được miễn thủ tục khai báo hóa chất, nhưng Nghị định 113 không miễn thủ tục này cho DN nên tất cả các lô hàng hóa chất XNK tại chỗ đều phải làm thủ tục khai báo hóa chất. Vướng mắc hơn, hiện vì hệ thống một cửa quốc gia dùng để thực hiện thủ tục khai báo hóa chất trực tuyến không có danh mục cửa khẩu xuất/nhập đối với loại hình XNK tại chỗ nên DN không khai báo được. Tréo ngoe hơn, khi liên hệ tới hotline của Cục Hóa chất – Bộ Công thương thì lại được hướng dẫn không cần khai báo hóa chất cho hàng hóa XNK tại chỗ mà vẫn thực hiện theo quy định cũ – tức là theo Thông tư 06/2015/TT-BCT. Như vậy, ngay trong một quy định thì cũng đã có cách hiểu, cách áp dụng khác nhau. Nguyên nhân chính của cách hiểu này là “nhu cầu quản lý” chứ không từ việc tạo điều kiện cho DN.
Có thể thấy, Nghị định này có hiệu lực chưa lâu và được ban hành vào thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực 1 năm. Vậy, vì sao lại có tình trạng gây khó cho cơ quan quản lý và DN như vậy? Phải chăng cơ quan soạn thảo đã chưa thực hiện tốt các quy trình xây dựng văn bản, trong đó có khâu quan trọng là tham vấn chuyên gia, DN và đánh giá tác động của chính sách. Hơn nữa, việc quy định thêm thủ tục –  thủ tục cấp giấy phép XNK, khai báo hóa chất cho hàng hóa XNK là các thành phẩm có mã số hàng hóa (mã tra cứu thuế); thủ tục cấp giấy phép XNK và khai báo hóa chất cho hàng hóa thuộc loại hình XNK tại chỗ đã làm phát sinh chi phí cho DN, liệu vấn đề này được đánh giá như thế nào trong quá trình soạn thảo?