Nắng nóng gay gắt kéo dài là một trong những thách thức lớn nhất đối với người nuôi tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển và năng suất của tôm. Để bảo vệ tôm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này, bà con cần áp dụng các biện pháp sau
Theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường
Nuôi tôm là nuôi nước nên yếu tố môi trường nước là quan trọng nhất, đặc biệt chú ý theo dõi. Một số yếu tố bà con cần lưu tâm theo dõi:
-
Nhiệt độ: Nên duy trì nhiệt độ nước trong ao nuôi ở mức 28 – 32°C. Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như quạt nước, che mát ao nuôi bằng lưới bạt,… khi nhiệt độ tăng cao. Nhiệt độ tăng cao tôm dễ bị sốc nhiệt môi trường.
-
Độ PH: Giữ độ pH trong ao ở mức 7,5 – 8,5. Sử dụng chế phẩm sinh học hoặc vôi bột để điều chỉnh độ pH khi cần thiết.
-
Độ mặn: Duy trì độ mặn phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm. Sử dụng nước mặn hoặc nước ngọt để điều chỉnh độ mặn trong ao khi cần thiết.
-
Oxy hòa tan: Đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao luôn ở mức cao, đặc biệt là vào ban đêm và giai đoạn tôm lột xác. Sử dụng quạt nước hoặc máy tạo oxy để cung cấp oxy cho tôm khi cần thiết.
-
Chất lượng nước: Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, bao gồm các chỉ tiêu như amoniac, nitrite, nitrat,… và xử lý kịp thời khi có bất kỳ thay đổi nào.
Cung cấp thức ăn đầy đủ và phù hợp
-
Chọn thức ăn có chất lượng tốt, phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm.
-
Cho ăn đúng liều lượng, tránh cho ăn quá nhiều hoặc quá ít.
-
Tăng cường thức ăn tự nhiên như rong biển, phân bón,… để cung cấp thêm dinh dưỡng cho tôm.
-
Cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, giảm từ 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng.
-
Bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm để tăng sức đề kháng
-
Khi phát hiện tôm bệnh và bắt đầu có tôm chết cần giảm ½ lượng thức ăn hoặc dừng việc cho tôm ăn lại, báo cáo ngay với các cán bộ kỹ thuật nhờ hỗ trợ, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan.
Quản lý ao nuôi khoa học
-
Định kỳ vệ sinh đáy áo để loại bỏ mùn bã hữu cơ lắng đọng, dùng chế phẩm vi sinh để phân hủy hàm lượng chất hữu cơ, ổn định tảo và màu nước.
-
Khi tảo phát triển mạnh có thể dùng Pearl Chlor (Chlorine) để diệt tảo với liệu lượng 5-6ppm, khi diệt tảo nên giảm lượng ăn của tôm và mở quạt khí để hóa chất nhanh bay hơi.
-
Duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,3 – 1,5m.
-
Sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời khi có dấu hiệu tôm bị bệnh.
-
Khi cấp nước cho ao bà con chú ý nên thực hiện vào buổi tối tránh chênh lệch nhiệt độ, ảnh hướng đến các yếu tố lý, hóa của môi trường nước (khi nhiệt độ tăng cao tảo sẻ phát triển nhiều hơn trong môi trường nước).
Ngoài ra, bà con cũng cần lưu ý:
-
Tuân thủ các quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo hướng dẫn của ngành chức năng.
-
Sử dụng con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
-
Tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật nuôi tôm để nâng cao kiến thức và kỹ năng.
-
Bà con cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thời tiết và giá cả thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Nuôi tôm mang lại giá trị kinh tế cao nhưng bà con cần đặc biệt quan tâm, cẩn thận chăm sóc trong từng công đoạn vì tôm là giống nhạy cảm, dễ bị bệnh, thay đổi nhỏ trong môi trường sống có thể ảnh hướng đến sức khỏe, khả năng phát triển của tôm
Bằng cách áp dụng các biện pháp trên, hy vọng bà con có thể bảo vệ tôm hiệu quả trong mùa nắng nóng kéo dài, đảm bảo tôm phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao.