KHÁI QUÁTe

Nền kinh tế Việt Nam ở quý I-2021 ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tốt ở nhiều ngành kinh tế quan trọng. Cụ thể, ngành công nghiệp tăng 6,5% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I-2020. Các khảo sát cho thấy 85,1% số DN đánh giá tình hình quý II-2021 sẽ tốt hơn và ổn định so với quý I. Dịch bệnh bùng phát tại TPHCM trong những tuần gần đây làm mất đi sự lạc quan của các doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp in cũng chịu sự chi phối chung trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát trong các tháng cuối quý II năm 2021. Các chuyên gia nhận định ngành In ít bị ảnh hưởng hơn các ngành khác. Tuy nhiên, việc giá giấy liên tục tăng cùng với các loại vật tư khác và thậm chí không mua được giấy buộc các nhà máy nằm trong tình trạng thiếu hụt và chờ đợi. Các tác động chính đến ngành In phần lớn nằm ở mảng văn hoá phẩm phục vụ cho các hoạt động – sinh hoạt mang tính truyền thống, vật tư khan hiếm và tăng giá.

CÁC MẢNG SẢN XUẤT

  • Ở mảng Xuất bản phẩm, Sách Giáo Khoa (SGK) ít bị ảnh hưởng so với các ngành khác, vì có chủ trương xã hội hoá đổi mới SGK nên sản xuất vẫn có tăng lên. Do bị ảnh hưởng của dịch Covid giá vật tư ngành in tăng nhiều, thậm chí đôi khi xuất hiện tình trạng không có giấy in. Hiện tại các nhà sản xuất chia đều các mặt hàng, điển hình như: NXB Giáo Dục, NXB Phương Nam, Đầu Tư Phát Triển Giáo Dục… Tình hình ngành in năm nay sẽ có những biến đổi, cơ hội dành cho các doanh nghiệp đều bị san sẻ, không tập trung như lúc trước.
  • Trong quý II-2021, một số cơ sở in Văn hoá phẩm có thêm việc in phục vụ cho Bầu Cử nên có thêm doanh số.
  • In Bao bì thì phát triển ổn định, đồng thời cũng có một số Công ty chuyển sang in bao bì. Các công ty vẫn không dám ký những Hợp đồng lớn vì giá giấy cứ lên liên tục, có làm cũng chỉ để giữ khách hàng vì ít hay không có lợi nhuận. Đặc biệt có thời điểm mỗi tuần giá vật tư lại khác nhau khiến những công ty Bao bì nhỏ khó khăn hơn năm ngoái.
  • Năm nay, dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đời sống nên doanh thu ngành in bao bì vào các mùa lễ hội chắc chắn sẽ giảm. Sự lo ngại về sức mua sẽ khiến cho các nhà sản xuất giảm công suất và hậu quả là các nhà in chuyên làm hộp cứng đựng bánh Trung thu, bao bì và túi xách cho trung thu bị giảm doanh thu rất nhiều. Tình hình sẽ ảnh hưởng đến in lịch và báo xuân trong quý III và quý IV.
  • Do chính sách chung của Nhà nước thay đổi nên các Doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang sử dụng Hoá Đơn Điện tử, Biên Lai Điện Tử, thêm phần vé cầu đường cũng sử dụng sang dạng thẻ dẫn đến các đơn hàng cũng như doanh số in vé – hoá đơn – biên lai hầu như giảm và thậm chí giảm rất nhiều. Tính cho đến nay, doanh số của mảng này giảm trên 50%.
  • Mảng in vé số không bị ảnh hưởng trong mùa dịch nhưng sẽ bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu lại và phải dự trữ giấy.
  • Do giá thành nguyên vật liệu tăng cao (tính trung bình cho các loại vật tư khoảng 30%) trong khi các khách hàng chỉ duyệt cho tăng từ 5 -15% nên các nhà in chuyên giảm nhận đơn hàng hoặc có nhận cũng chỉ ở mức vừa phải để duy trì sản xuất.
  • Các Doanh nghiệp in – sản xuất bao bì xuất khẩu bị tác động toàn diện và hết sức mạnh mẽ do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, giá vận chuyển tăng rất mạnh và thậm chí không có Container để chuyển hàng đi. Trong tình hình dịch Covid kéo dài, vấn đề dự trữ nguyên vật liệu là rất khó khăn, trước khi chúng ta biết trước giá sẽ tăng thì đã bị các thế lực lớn của các nước khác thâu tóm và dự trữ. Khi báo giá cạnh tranh, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm thế chủ động vì giá bán Nguyên vật liệu trong nước của họ rất rẻ nhưng bán ra nước ngoài mắc hơn 30%. Thậm chí giá vận chuyển Container đi từ Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn Nước khác.
  • Các nhà máy Bao bì tại các tỉnh phía Bắc ví dụ như: Hải phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, bị các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thu mua. Hiện có nhà máy lớn gấp 100 lần so với nhà máy in của Việt Nam, họ chiếm lĩnh hầu hết thị trường, nắm các đơn hàng xuất khẩu lớn nên đẩy các nhà in Việt Nam vào tình thế khó khăn này tiếp nối khó khăn khác.
  • Vẫn có các công ty in bao bì duy trì được sản xuất và tái cấu trúc chờ cơ hội phát triển khi hết dịch. Trong giai đoạn khó khăn này, các Công ty sẽ tập trung việc đào tạo nguồn nhân lực, định hướng đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường. Tuy nhiên, do chi phí tăng nên lợi nhuận của các công ty cũng bị giảm nhiều

LAO ĐỘNG

Lao động chất lượng cao ngày càng khan hiếm và tình trạng thiếu thợ giỏi vẫn xảy ra khắp nơi. Đã có nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư chi phí lớn để mời các chuyên gia đầu ngành và có nhiều kinh nghiệm đào tạo riêng cho đơn vị mình.

Một số cơ sở nhỏ không có việc làm từ đầu năm tới nay dẫn đến tình trạng công nhân thất nghiệp chạy tìm việc.

VẬT TƯ

  • Tính từ đầu năm 2021 giá mực in đã tăng giá 3 lần do nguyên vật liệu tăng, phí vận chuyển tăng, cuối tháng 3/2021 thì giá mực đã tăng 7-8%, mực UV tăng 35%.
  • Hiện tại giá Giấy Ivory đã tăng 110%, giấy Duplex đã tăng từ 65% đến 70%, trong khi các đơn vị đối tác của nhà In chỉ duyệt cho tăng giá 5 đến 10%. Do đó các nhà in chuyên về bao bì giảm nhận đơn hàng hoặc có nhận cũng chỉ ở mức chừng mực để duy trì sản xuất.
  • Vì giá thành vật liệu quá cao nên các nhà in bao bì cho bánh kẹo cũng không dám đặt hàng và chỉ đặt khi có nhu cầu. So với quý 4/2020 và đầu quý 1/2021 lượng giấy bao bì bán ra có giảm, đây là dấu hiệu giảm giá giấy cho 2 sản phẩm: Ivory và Couche loại dày, riêng giấy Couche loại mỏng chuyên in lịch thì khả năng tăng rất cao.
  • Về tình hình các nhà máy sản xuất lớn trên thế giới, hiện có nhà máy Stora Enso – tập đoàn Giấy rất lớn tại Châu Âu (chuyên sản xuất các mặt hàng giấy Xuất bản phẩm ví dụ như: Giấy LWC, Giấy Báo, Giấy Couche, Bột Giấy..) sau 1 thập kỷ kinh doanh lỗ và đại dịch Covid kéo dài sẽ đóng cửa vĩnh viễn 2 nhà máy lớn tại Phần Lan và Thuỵ Điển trong quý 3/2021. Trước tình hình đó, ta cũng có thể dự đoán tình hình giá giấy trong tương lai cho những sản phẩm giấy in xuất bản phẩm, …
  • Các chuyên gia nhận xét tình hình nguyên liệu giấy năm nay rất kịch tính và bất thường. Nó không theo 1 nguyên tắc cung cầu mà gần như là Chiến Tranh Thương Mại. Phía chính phủ Trung Quốc chủ trương đứng phía sau các nhà tư bản, họ gom nguyên liệu, bột giấy. Giá bột giấy từ khoảng 435 đã lên 1000 USD/tấn, họ thâu tóm và chiếm lĩnh tất cả thị trường, họ mua cổ phần của các hãng tàu lớn để chi phối điều tiết. Các tập đoàn lớn của Châu âu như Stora Enso có nguồn nguyên liệu chủ động và giải quyết được, có những lúc giá chênh nhau 100 đến 200 USD là chuyện bình thường. Cho tới nay, giá Giấy của Trung Quốc và giá Giấy Châu Âu cũng không chênh lệch bao nhiêu, có thể nói đã tăng tới đỉnh. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến khách hàng chỉ mua khi thật sự cần.
  • Hiện nay, Trung Quốc đang thao túng toàn bộ thì trường giấy, thậm chí họ đã gom hết bột giấy từ các nước như Brazil và 1 số nước tại Châu Âu, nên họ chủ động tăng giá. Việc này xảy ra không chỉ ở Giấy mà các nguyên vật liệu khác cũng vậy. Theo dự đoán, TQ sẽ tiếp tục giữ mức giá đỉnh này cho tới cuối năm.

TÓM LƯỢC

Tình hình ngành in hiện nay có thể nói là rất trừu tượng. Sau đợt Covid năm 2020, ngành In có bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở giai đoạn đầu. Đến năm 2021 tình hình sản xuất lại khó khăn hơn năm 2020 vì giá cả nguyên vật liệu tăng. Tuy nhiên tổng doanh thu ngành in lại không giảm, thậm chí là tăng, nhất là bao bì và xuất khẩu. Doanh số có thể tăng nhưng lợi nhuận thì giảm hoặc giảm sâu. Một số nhà in nhỏ phải dừng sản xuất hay sang nhượng vì lý do khó khăn.

Theo một số tài liệu từ chuyên gia kinh tế nước ngoài: “Nền kinh tế Thế Giới của năm nay rất trừu tượng và bấp bênh. Không chỉ riêng ngành in do dịch Covid mà còn là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cuộc chiến tranh này càng kéo dài thì kinh tế càng bất lợi. Ít nhất cho đến tháng 9/2021 mới có thể đưa ra một số nhận xét về bức tranh kinh tế của Thế Giới.” Cho nên, các Doanh nghiệp In nên hết sức cẩn thận khi đầu tư.

Trong thời gian qua, các Doanh nghiệp ngành in của chúng ta đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề, rõ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có sự tác động đáng kể đối với chúng ta, và chúng ta đang ở thế bị động phải chịu trận trong sự tác động đó. Cuộc chiến này không chỉ là sự đầu cơ kinh doanh Giấy, chuỗi logistic hay các nguyên vật liệu mà có yếu tố chính trị. Đối với Doanh nghiệp xuất khẩu thì việc này tác động toàn diện và hết sức mạnh mẽ. Sự khôn khéo và sáng tạo theo tình huống sẽ mang tính quyết định, các nhà in cần duy trì sản xuất và tranh thủ thời gian tái cơ cấu cho đến khi thị trường bình ổn trở lại.

Tài liệu tham khảo:

  • Biên bản họp BCH Hội in TPHCM tháng 4 năm 2021
  • Prima.vn