Cải tạo ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định đến hiệu quả của vụ nuôi tôm. Cải tạo ao không chỉ giúp đảm bảo các chỉ số môi trường nước nuôi mà còn giúp tiêu diệt các mầm bệnh hại tồn tại trong ao ở vụ nuôi trước. Vậy kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm như thế nào là đúng cách, cùng Đông Á trả lời câu hỏi này trong bài viết ngày hôm nay bạn nhé.
Tại sao phải tiến hành cải tạo ao nuôi tôm trước vụ nuôi mới
Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm, chúng ta hãy cùng phân tích các lý do cần phải cải tạo ao nuôi tôm. Dưới đây là một số lý do quan trọng của việc cải tạo ao tôm:
-
Cải tạo ao nuôi tôm sẽ giúp cải thiện điều kiện môi trường nước trong ao như các chỉ số nhiệt độ, độ pH, hàm lượng oxy hòa tan, các khí độc,… Khi những điều kiện này được tối ưu hóa, tôm có thể phát triển nhanh chóng và đạt được trọng lượng mong muốn, giúp tăng hiệu suất vụ nuôi.
-
Cải tạo ao nuôi tôm cũng góp phần kiểm soát và phòng tránh bệnh tật. Nhờ việc cải tao ao tôm mà bà con có thể loại bỏ vi khuẩn gây bệnh và giảm stress cho tôm, từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh trên tôm.
-
Giúp tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước và thức ăn. Bằng cách cải thiện hệ thống lọc nước và quản lý thức ăn một cách hiệu quả, người nuôi tôm có thể giảm thiểu lượng thức ăn bị lãng phí và tiết kiệm nước.
-
Giảm thiểu sự rò rỉ chất thải từ ao, giảm ô nhiễm môi trường nước và bảo vệ các loài động, thực vật trong hệ sinh thái nước.
-
Tôm được nuôi trong điều kiện môi trường tốt thường có hình dáng, màu sắc và hương vị tốt hơn.
Kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm theo kinh nghiệm của các hộ nuôi tôm thành công
Kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao hiệu quả vụ nuôi và bảo vệ môi trường. Cụ thể cách cải tạo ao nuôi sẽ được thực hiện như sau:
Tháo hết nước, vét bùn và phơi đáy ao
Làm sạch bùn đáy ao và phơi khô
Tiến hành nạo vét hết lớp bùn nhão dưới đáy ao sang nơi khác và phơi khô. Lớp bùn này chứa rất nhiều chất thải hữu cơ, thức ăn thừa, phân tôm,… Chúng có đặc điểm là màu đen và có mùi trứng thối do chứa nhiều khí độc, điển hình là H2S. Nếu không được làm sạch, các đặc tính của lớp bùn này và các quá trình lý sinh hóa diễn ra ở nền đáy sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe cũng như tốc độ tăng trưởng của tôm.
Sau khi tiến hành nạo vét xong, lớp bùn này cần được bơm hút ra khỏi ao, sau đó mang đi chôn lấp hoặc chuyển sang ao chứa phía cuối chiều gió. Lưu ý là tuyệt đối không nên xả bùn trực tiếp ra môi trường tự nhiên, tránh gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là lây lan dịch bệnh.
Đối với các ao không tháo cạn được nước, bạn có thể dùng máy cào để cào chất thải về một góc ao, sau đó bơm hút ra ngoài.
Sau khi nạo vét và làm sạch đáy ao, bạn cần phơi đáy ao. Mục đích của việc này là để oxy hóa các chất hữu cơ, đồng thời làm giảm nồng độ các khí độc. Thời gian phơi đáy ao càng lâu, hiệu quả cải tạo ao càng tốt. Ánh nắng mặt trời có các tia cực tím sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và mầm bệnh gây hại.
Với ao nuôi lót bạt, bạn cần vệ sinh và phơi nắng từ 2 – 3 ngày. Phun khử khuẩn bằng clorin nồng độ 10ppm(1kg/1m3) từ đáy đến bờ và xung quanh ao. Thời điểm phun là vào buổi tối muộn để tránh tình trạng hóa chất bốc hơi mạnh làm giảm hiệu quả khử khuẩn và gây nguy hiểm cho con người.
Ngâm xả ao
Với những ao nuôi tôm bị nhiễm phèn hoặc có tôm bị bệnh trong vụ nuôi, bạn cần thực hiện việc ngâm xả ao:
-
Với ao có nền đất bị nhiễm phèn: Rải vôi nóng đều trên nền đáy rồi xả 40 – 50 cm nước để ngâm trong 2 – 3 ngày, sau đó xả bỏ.
-
Với ao nuôi đã bị nhiễm vi bào tử trùng EHP: Lượng vôi cần dùng có thể lên tới 6 tấn/ha. Nếu ao đã bị nhiễm bệnh ở vụ trước, bạn nên dùng thêm các chất diệt khuẩn sau khi đã lấy nước. Lặp lại chu kỳ này từ 2 – 3 lần để hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh đạt mức tốt nhất. Để đảm bảo hiệu quả, bạn có thể nhờ cán bộ kỹ thuật đến kiểm mật độ vi khuẩn Vibrio và các chỉ số của môi trường nước.
Bón vôi
Sau khi đã làm sạch nền đáy ao, bạn cần tiến hành bón vôi bột với liều lượng từ 40 – 100kg/1000 m2 (tùy thuộc vào độ pH của đất). Độ pH càng thấp thì bón càng nhiều vôi. Loại vôi sử dụng nên được chọn mua của những địa chỉ uy tín, có độ mịn cao (100% lọt qua rây lọc cỡ 60), độ ẩm thấp và không chứa các tạp chất. Để đảm bảo tác dụng, vôi phải được rải đều khắp bề mặt đáy ao.
Lưu ý: Rào lưới quanh ao để hạn chế các ký chủ trung gian bên ngoài có cơ hội xâm nhập vào ao nuôi và gây bệnh cho tôm.
Lấy nước vào ao nuôi
Lấy nước vào ao nuôi tôm
Lấy nước vào ao qua túi lọc có kích thước lưới từ 30 – 50µm. Tốt nhất là lấy nước từ ao lắng qua ao nuôi, sau đó tiến hành diệt tạp, gây màu nước và ổn định môi trường rồi mới thả giống.
Nước được lấy từ ao ngoài vào cần phải được diệt tạp, diệt khuẩn. Trước khi diệt tạp, bạn cần bật quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và ấu trùng giáp xác nở. Sau đó mới tiến hành việc diệt tạp, diệt khuẩn.
Diệt tạp, diệt khuẩn
Tiến hành diệt tạp bằng saponin hoặc các loại hóa chất chuyên dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời điểm dùng saponin hiệu quả cao nhất là từ 4 – 6 giờ sáng. Khi độ mặn của nước ao thấp hơn 10‰, hãy tăng liều sử dụng.
Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy, bạn có thể sử dụng đồng sunfat với nồng độ là 2 – 3 ppm (2 – 3kg/1000 m3).
Lưu ý: Không lấy nước vào ao khi nước ngoài kênh, mương có màng nhầy, nhiều phù sa, nổi váng bọt hoặc nằm trong khu vực có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.
Sau 2 ngày diệt tạp, sử dụng Chlorine, TCCA, BKC, Formol, thuốc tím, Iodine hoặc PVP-Idodine để diệt khuẩn và loại trừ mầm bệnh có trong nước ao.
-
Với Chlorine, liều lượng sử dụng là 25 – 30 ppm (25 – 30kg/1000 m3). Độ pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng lớn thì lượng Chlorine cần dùng càng nhiều.
-
Với thuốc tím, liều dùng sẽ là 2kg/1000 m3. Thuốc tím có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm, tảo thông qua việc oxy hóa màng tế bào, phá hủy các enzyme đặc biệt đóng vai trò điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào. Để diệt tạp hiệu quả, bạn hãy tạt thuốc tím vào ngay dàn quạt nước trong ao để quạt nước khuếch tán thuốc tím đều khắp ao.
4 ngày sau khi diệt tạp, bạn hãy dùng BKC với liều 1 lít/1000m3 để tiêu diệt các mầm bệnh do virus, vi khuẩn, động vật nguyên sinh, nấm còn tồn động trong ao gây ra. Mỗi ngày chạy quạt nước 2 giờ để khuấy đảo nước và phân giải lượng hóa chất dư thừa trong ao.
3 ngày sau, đánh PAC để tăng cường khả năng kết tủa và keo tụ của các hợp chất hữu cơ cùng các kim loại nặng, từ đó loại bỏ chúng khỏi ao. Liều dùng PAC sẽ là 2kg/1000 m3. Sau khoảng 5 phút, tiếp tục đánh vôi bột với liều lượng 2 bao/1000 m3. Một tuần sau tiếp tục đánh lại PAC và vôi bột với liều như trên.
Để loại bỏ dư lượng hóa chất gây hại có trong nguồn nước, bạn hãy dùng Thiosunphat. Chất này sẽ giúp làm giảm độ nhớt, độ váng của nước, giúp nước ao sạch sẽ, giàu oxy, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh và tảo có lợi phát triển ổn định.
Gây màu nước ao
Gây màu nước trong ao nuôi tôm
Màu nước có vai trò rất quan trọng trong nuôi tôm. Màu nước ao đạt tiêu chuẩn sẽ cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm Post, giúp tôm thoải mái săn mồi, giảm stress và ngăn ánh nắng mặt trời chiếu xuống đáy.
Để gây màu nước ao tôm, bạn có thể chọn một trong những cách gây màu nước ao sau đây:
Cách 1: Dùng cám gạo hoặc cám ngô, bột cá và bột đậu nành
Tiến hành trộn đều hỗn hợp trên theo tỷ lệ 2:1:2, sau đó nấu chín và ủ kín từ 2 – 3 ngày là có thể dùng được. Liều lượng sử dụng là 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong vòng 3 ngày cho đến khi nước ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì thực hiện việc thả giống.
Cách 2: Dùng mật rỉ đường, cám gạo hoặc cám ngô và bột đậu nành
Trọn hỗn hợp trên theo tỷ lệ 3:1:3 rồi ủ kín trong 12 giờ là dùng được. Liều lượng sử dụng là 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong vòng 3 ngày cho đến khi nước ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40cm thì thực hiện việc thả giống.
Cách 3: Dùng men vi sinh
Trộn 1 lit EM gốc với 1 lít mật rỉ đường, 10g muối, 2 kg cám gạo và 46 lít nước sạch, sau đó ủ kín 5 – 7 ngày sẽ cho ra 50 lít EM thứ cấp. Đánh 10 lít EM thứ cấp này xuống 1.000 m3, 2 ngày đánh 1 lần, đồng thời chạy quạt liên tục đến khi màu nước ao chuyển sang xanh nõn chuối hoặc bã trà, đạt độ trong 30 – 40cm thì có thể thả giống được.
Lợi ích của việc sử dụng chế phẩm vi sinh để gây màu nước chính là tăng hiệu quả và đảm bảo độ an toàn với môi trường. Hơn nữa giá thành của nó cũng khá rẻ.
Việc tăng cường các vi sinh có lợi trong ao nuôi giúp tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu với bệnh tật của tôm. Đồng thời tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, giúp tôm phát triển khỏe mạnh và đồng đều. Muốn duy trì màu nước ổn định, trong suốt quá trình nuôi bạn cần phải định kỳ bổ sung lại liều lượng theo các phương pháp trên.
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này của Đông Á đã giúp các bạn nắm được kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Có thể thấy rằng việc cải tạo ao nuôi là điều bắt buộc mà người nuôi tôm cần làm để có thể thành công trong vụ nuôi sau. Vậy nên các bạn hãy thực hiện công việc này thật cẩn thận, tránh làm qua loa, không đúng kỹ thuật vì nó có thể gây ảnh hưởng xấu tới vụ nuôi.