Năm 2017 Thủ tướng chính phủ đã ra nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2014, theo đó Cục Hóa chất, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng hệ thống khai báo tại Cổng thông tin một cửa quốc gia và công bố thử nghiệm từ 25/11/2017.
Trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 bộ hồ sơ khai báo hóa chất do gần 4.000 doanh nghiệp thực hiện tại Bộ Công thương. Nên việc khai báo trực tiếp chỉ trong khoảng thời gian ngắn tại bất cứ đâu rất giúp đỡ cho các đơn vị nhập khẩu hóa chất, đặc biệt tiến tới hội nhập với các nước Asean về cơ chế một của trong khu vực.
Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh đã giới thiệu về hệ thống khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, việc khai báo được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu của doanh nghiệp và chuyển sang hệ thống xử lý của Bộ Công thương. Giai đoạn hai, hệ thống tiếp nhận sẽ xử lý và phản hồi kết quả lại hệ thống của Cổng thông tin một cửa quốc gia. Giai đoạn ba, Cổng thông tin một cửa quốc gia phản hồi kết quả khai báo cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan.
“Tính từ thời điểm doanh nghiệp truyền hồ sơ đến lúc nhận kết quả khoảng 15 giây. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian thực hiện mà còn khai báo được mọi lúc, mọi nơi, không phải trực tiếp nộp bản cứng tại Bộ Công thương và Hải quan, từ đó giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp”, đại diện Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương không phải nhập số liệu thủ công, lưu trữ hồ sơ; chi cục hải quan các cửa khẩu cũng có thể tra cứu thông tin khai báo hóa chất của doanh nghiệp qua mạng Internet.
Theo đó, để đảm bảo tính chính xác thông tin khi khai báo điện tử, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra trên hệ thống về các thông tin doanh nghiệp khai báo, giúp cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thực hiện thủ tục khai báo, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 triển khai lên 24 dịch vụ. Trong đó, có 6 thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
“Cục Hóa chất và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hải quan để đảm bảo hệ thống được quản lý và vận hành ổn định, liên tục, tin cậy 24/24 giờ. Đồng thời, cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp“, Thứ trưởng chỉ đạo.
Mặt khác, các cơ quan hữu quan cần thường xuyên tiến hành cải tiến, nâng cấp nhằm hoàn thiện hệ thống hơn nữa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam./.