Trong quá trình nuôi tôm, có nhiều loại tảo có thể xuất hiện trong ao. Chúng có những vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ao nuôi. Vậy danh sách các loại tảo trong ao nuôi tôm là gì và cách xử lý chúng ra sao? Cùng đi tìm hiểu chi tiết các loại tảo trong ao nuôi tôm bạn nhé.
Nguyên nhân các loại tảo trong ao nuôi tôm
Các loại tảo trong ao nuôi tôm
Tảo thường xuất hiện trong ao nuôi tôm vì một số lý do chính sau đây:
- Nguồn dinh dưỡng: Tảo là những loài thực vật nhỏ có khả năng tự sản xuất chất dinh dưỡng từ ánh sáng mặt trời thông qua quá trình quang hợp. Chúng cung cấp các chất dinh dưỡng như protein, lipid, carbohydrate và các vitamin cho hệ sinh thái ao nuôi.
- Ánh sáng và nhiệt độ: Điều kiện thích hợp về ánh sáng và nhiệt độ trong ao nuôi tôm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tảo. Ánh sáng là yếu tố cần thiết cho quá trình quang hợp của tảo, trong khi nhiệt độ ấm áp thường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh của chúng.
- Chất dinh dưỡng trong nước: Sự có mặt của các chất dinh dưỡng như nito, phosphat và các khoáng chất trong nước ao nuôi cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tảo.
Mặc dù một số loại tảo có thể là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nhưng sự phát triển quá mức của tảo trong ao nuôi cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, ví dụ như cản trở sự phát triển của tôm, làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước và gây ra những sự cố về môi trường ao nuôi. Do đó, việc quản lý và kiểm soát sự phát triển của các loại tảo trong ao nuôi tôm là một phần quan trọng trong việc duy trì môi trường sống lý tưởng cho tôm nuôi.
Danh sách các loại tảo trong ao nuôi tôm
Các loại tảo trong ao nuôi tôm được chia ra thành 2 nhóm chính, đó là nhóm có lợi và nhóm có hại. Cụ thể như sau:
Nhóm tảo có lợi
Nhóm tảo có lợi là sản phẩm sơ cấp và là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn tự nhiên. Chúng không chỉ cung cấp oxy cho ao nuôi mà còn cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm. Dưới đây là danh sách các loại tảo có lợi trong ao tôm.
Tảo Khuê
Tảo Khuê có chứa nguồn dinh dưỡng rất cao
Tảo Khuê (tảo Silic) khi xuất hiện trong ao nuôi tôm sẽ khiến nước ao có màu trà từ nhạt đến đậm, tuỳ vào mật độ tảo trong ao. Trong tảo Khuê có chứa nguồn dinh dưỡng rất cao, giúp cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho ấu trùng tôm.
Khi tỉ lệ nito/phospho lớn hơn 15/1, tảo Khuê sẽ chiếm ưu thế và hàm lượng chất dinh dưỡng trong ao nuôi tôm sẽ ở mức thấp. Ở dạng đa bào, tảo Khuê sẽ có dạng chuỗi hoặc xoắn và khi chiếm ưu thế, chúng sẽ vướng vào mang tôm gây cản trợ hô hấp của tôm. Vậy nên tảo Khuê dạng đơn bảo sẽ tốt hơn dạng đa bào.
Tảo lục
Tảo lục phát triển khi nước ao có hàm lượng đạm NH4+ cao. Khi tảo lục chiếm ưu thế, nước ao sẽ có màu xanh lục hoặc xanh lá nhạt. Trong ao tôm, nhóm tảo lục thường xuất hiện là Nannochloropsis sp., Scenedesmus sp., Chlorella sp., Dunaliella sp., Oocyctis sp.,…Trong đó tảo Lục Chlorella sp. có khả năng sinh ra chất ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp gây bệnh trên tôm.
Khi hàm lượng nito/photpho ở mức 7 – 14/1, hàm lượng chất dinh dưỡng trong ao ở mức trung bình, nhóm tảo Lục sẽ phát triển mạnh và chiếm ưu thế trong ao.
Dù tảo Khuê, tảo Lục có lợi cho tôm thì khi phát triển quá mức, nó cũng gây ảnh hưởng xấu đến tôm như biến động pH, thiếu oxy về đêm. Vậy nên cần kiểm soát mật độ tảo trong ao nuôi tôm ở mức thích hợp.
Nhóm tảo có hại
Bên cạnh các loài tảo có lợi thì nhóm tảo có hại cũng rất dễ xuất hiện trong ao nuôi tôm. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển mạnh và gây ra hiện tượng tảo nở hoa. Điều này sẽ khiến biến động pH ngày đêm lớn, tôm bị thiếu oxy về đêm, xuất hiện nhiều khí độc do quá trình phân huỷ xác tảo, đặc biệt loại tảo này còn tiết độc tố gây ngộ độc cho tôm.
Các loài tảo có hại thường gặp trong ao tôm là:
Tảo Lam
Tảo Lam xuất hiện thành từng mảng trong ao tôm
Tảo Lam (vi khuẩn lam) khi chiếm ưu thế trong ao tôm sẽ khiến nước ao có màu xanh nhạt đến xanh đậm. Tảo Lam gồm có 2 dạng là dạng sợi (Microcystis sp,…) và dạng hạt (Nostoc sp., Anabaena sp., Oscillatoria sp,…
Khi nước ao nuôi có hàm lượng muối dinh dưỡng cao, tỷ lệ nito/photpho là 3 – 5/1, tảo Lam sẽ phát triển mạnh và chiếm ưu thế. Nếu quan sát bạn sẽ thấy nước ao có màu xanh đậm, nổi váng xanh trên mặt nước và nổi thành từng đám ở nơi cuối hướng gió lúc trời nắng gắt.
Tảo Lam dạng sợi độc hơn so với tảo Lam dạng hạt. Khi phát triển mạnh, chúng sẽ làm tắc nghẽn mang tôm và khiến cho tôm có mùi hôi. Nếu ăn phải, tôm cũng rất dễ mắc các bệnh đường ruột như phân đứt khúc, phân trắng,…
Tảo Mắt
Tảo Mắt có màu xanh lục và có điểm mắt là cơ quan cảm thụ ánh sáng. Tảo Mắt phát triển mạnh khi đáy ao bị nhiễm bẩn. Chúng phát triển rất nhanh trong môi trường nước có nhiều chất hữu cơ. Khi chiếm ưu thế, chúng sẽ làm cho nước ao có màu nâu đen hoặc màu xanh đậm.
Khi phát triển với mật độ cao, các mảng tảo Mắt được hình thành và di chuyển trên mặt nước vì chúng là nhóm tảo di chuyển bằng roi. Tảo Mắt là sinh vật chỉ thị chất lượng nước, cụ thể môi trường nước ao sẽ bị ô nhiễm hữu cơ khi ao nuôi tôm xuất hiện nhiều tảo Mắt.
Tảo Mắt có ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước ao. Việc tảo Mắt phát triển mạnh đồng nghĩa với việc tôm bị thiếu oxy, gây ra hiện tượng nổi đầu, kéo đàn.
Tảo Giáp
Hình ảnh tảo Giáp
Tảo Giáp là một nhóm tảo nhỏ đặc biệt có khả năng di chuyển nhờ vào roi. Chúng thường sống trong môi trường nước ngọt và nước mặn, có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau từ đơn bào đến tổ chức tế bào phức tạp hơn.
Cũng giống như tảo Mắt, tảo Giáp cũng nổi thành từng mảng lớn và di chuyển trên bề mặt ao nuôi. Chúng là nhóm tảo gây nên hiện tượng thuỷ triều đỏ. Tảo Giáp chiếm ưu thế là do mất cân bằng yếu tố khoáng đa vi lượng hoặc do đáy ao bị ô nhiễm nặng.
Sự phát triển của tảo Giáp có thể gây ra các tác động bất lợi cho tôm, đó là:
- Tảo Giáp có khả năng sinh sản nhanh, gây ra hiện tượng “bùng phát tảo” trong ao nuôi. Khi số lượng tảo Giáp tăng lên đột ngột, chúng có thể làm thay đổi tính chất hóa học của nước, gây ảnh hưởng đến sự sống của tôm.
- Một số loại tảo Giáp có thể chứa độc tố, gây ra hiện tượng ngộ độc thuỷ sản khi xâm nhập vào hệ thống sinh thái ao nuôi. Điều này rất nguy hiểm vì tảo Giáp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với tôm và có thể ảnh hưởng đến sự tiêu thụ của người tiêu dùng.
- Sự phát triển quá mức của tảo Giáp có thể làm giảm nồng độ oxy trong nước, gây ra khó khăn cho quá trình hô hấp của tôm và các sinh vật khác.
Cách phòng ngừa và xử lý các loại tảo trong ao nuôi tôm
Để phòng ngừa và xử lý tảo độc trong ao nuôi tôm, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Khi chuẩn bị ao nuôi cho vụ tôm mới, bạn cần phải cải tạo ao thật kỹ. Tiến hành bón vôi, phơi đáy ao trong thời gian cần thiết. Nếu là ao đất, bạn cần nạo vét hết lớp bùn đen ở dưới đáy để tiêu diệt các mầm bệnh có trong ao cũng như không cho tảo độc có môi trường để phát triển.
Cải tạo ao thật kỹ để chuẩn bị cho vụ nuôi mới
- Điều chỉnh các thông số chất lượng nước như nồng độ oxy hòa tan, độ pH, nồng độ ammoniac, nitrat, nitrit và photpho để giảm thiểu điều kiện phát triển của tảo độc.
- Khi cấp nước vào ao, bạn cần tránh lấy nước lúc nguồn nước xung quanh có tảo nở hoa, đồng thời nên cấp nước vào ao qua túi lọc để hạn chế sự xâm nhập của các ấu trùng, mầm bệnh, tảo…. Sau khi cấp nước, bạn nên chạy quạt 3 – 5 ngày rồi dùng thuốc diệt khuẩn với liều lượng phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn, động vật nguyên sinh có trong nước ao nuôi, bao gồm cả các loài tảo độc.
- Đảm bảo tôm được cung cấp lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa. Thức ăn dư thừa có thể làm tăng lượng chất hữu cơ trong ao, kích thích sự phát triển của tảo.
- Trong nuôi tôm sú thâm canh, lượng thức ăn dư thừa và chất thải của tôm chính là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước ngày càng xấu. Để giải quyết việc dư thừa này, bạn cần khống chế lại lượng thức ăn cho tôm bằng cách thay đổi vị trí đặt sàng ăn, ghi nhận lại khoảng thời gian hết thức ăn trong sàng, quan sát đường ruột tôm và chỉ nên cho tôm ăn từ đủ đến thiếu, thậm chí có thể cắt cữ ăn vào buổi sáng trong 1 -2 ngày để giảm thiểu lượng chất hữu cơ do thức ăn thừa gây ra.
- Điều chỉnh thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng trong ao nuôi để các loại tảo độc không có điều kiện thuận lợi để phát triển.
- Sử dụng lưới để lọc tảo ra khỏi ao nuôi, đặc biệt là khi thấy sự gia tăng đột ngột của tảo độc.
- Sử dụng các chất diệt tảo như peroxide hydrogen để loại bỏ tảo độc. Tuy nhiên cần phải chú ý đến liều lượng và cách sử dụng để không gây ảnh hưởng đến tôm.
- Sử dụng cá, ếch, sò huyết hoặc các loài sinh vật ăn tảo khác để giảm thiểu lượng tảo độc trong ao nuôi.
- Định kỳ làm sạch ao, loại bỏ các tảo thừa và chất hữu cơ tích tụ dưới đáy ao để giảm nguy cơ phát triển của tảo độc.
- Theo dõi sự phát triển của tảo độc bằng cách quan sát và kiểm tra định kỳ, để có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Hy vọng rằng những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ ở trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các loại tảo trong ao nuôi tôm. Từ đó có những giải pháp xử lý phù hợp khi thấy tảo xuất hiện và phát triển quá mức. Việc kết hợp nhiều biện pháp này sẽ giúp bạn giảm thiểu sự phát triển của tảo độc trong ao nuôi tôm và duy trì môi trường ao nuôi trong điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của tôm.