Axit oxalic là gì? Trong tự nhiên axit oxalic có ở đâu? Ứng dụng của axit oxalic ra sao? Đây là một số câu hỏi mà nhiều người thắc mắc và gửi về cho trong thời gian qua. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giúp các bạn trả lời hết những câu hỏi này nên hãy theo dõi cùng
Axit oxalic là gì?
Axit oxalic là gì
Axit oxalic là một hợp chất hữu cơ tồn tại ở dạng tinh thể và có màu trắng. Loại axit này có tính khử khá mạnh và là một axit cacboxylic đa chức có công thức hóa học là HOOC-COOH. Các dianion của HOOC-COOH được gọi là oxalat.
Trong tự nhiên, axit oxalic và các muối axit oxalic có trong nhiều loại thực vật như lá chè, me đất, khế, rau muối, hạt tiêu. Tuy nhiên nồng độ của axit oxalic có trong nước chè tương đối nhỏ. Ngay trong cơ thể người, axit oxalic cũng được tổng hợp qua quá trình trao đổi chất do biến dưỡng và do dùng vitamin C liều cao kéo dài. Ngoài ra, axit oxalic cũng có thể được sản sinh trong một số loại nấm. Bên cạnh dạng tồn tại trong tự nhiên, axit oxalic còn được sản xuất trong công nghiệp để tẩy trắng, khử gỉ sét, tẩy vết bẩn.
Tùy vào nồng độ axit oxalic có trong thực phẩm mà chúng ta có thể chia nó ra thành 4 nhóm như sau:
- Nhóm nồng độ rất cao: Hạnh nhân, hạt mè, rau dền, khế,….
- Nhóm nồng độ cao: Hạt điều, khoai tây chiên, đậu phộng, khoai lang, măng…
- Nhóm nồng độ trung bình: Bơ, hạt dẻ, đậu phộng, khoai tây chiên, cà rốt, hạt óc chó, cần tây, sốt cà chua…..
- Nhóm nồng độ thấp: Cơm dừa, măng tây nấu chín, bơ, hạt hướng dương, bông cải xanh, bông cải trắng, bắp, gạo, dưa chuột,…..
Tùy vào đặc tính của môi trường đất, nước, phân bón,… mà mỗi loại thực phẩm được trồng những nơi khác nhau sẽ có hàm lượng axit oxalic khác nhau.
Cách điều chế axit oxalic là gì?
Trong phòng thí nghiệm, axit oxalic có thể được điều chế bằng cách oxi hóa sucroza bằng axit nitric đóng vai trò là chất oxy hóa, có xúc tác là vanadi oxit. Ngoài ra có thể điều chế được oxalat natri bằng cách cho NaOH nóng hấp thụ monoxit carbon dưới áp suất cao.
Ứng dụng của axit oxalic trong thực tế
Một số loại thực phẩm chứa nhiều axit oxalic
Axit oxalic được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp và cả trong sinh hoạt thường ngày, cụ thể là:
– Trong công nghiệp dệt nhuộm, axit oxalic được dùng làm chất cần màu.
– Trong công nghiệp nhẹ, axit oxalic được dùng để đánh bóng đá hoa cương, chế tạo da thuộc và xử lý nước. Hóa chất này cũng được sử dụng để tẩy rửa bản kẽm trong công nghiệp in ấn, chế tạo dung dịch tẩy rửa thiết bị điện trong công nghiệp điện và dùng trong việc phân tích, kết tủa kim loại đất hiếm trong công nghiệp luyện kim.
– Trong ngành công nghiệp dược phẩm, axit oxalic được sử dụng rộng rãi để sản xuất terramycin, achromycin, borneo.
– Dùng để sản xuất phân bón và tổng hợp hóa hữu cơ.
– Nhờ có khả năng đánh bay lớp mạch gỗ đã bị khô để lộ ra lớp gỗ còn mới phía dưới mà axit oxalic được dùng để phục chế đồ gỗ.
– Vì có đặc tính dễ bay hơi nên loại axit này được dùng làm thuốc trừ sâu để tiêu diệt bét Varroa khi nuôi ong mật.
– Axit oxalic được dùng trong một số loại hóa chất tẩy rửa.
Axit oxalic có độc hại không?
– Độc tính: Liều cao axit oxalic gây kích thích niêm mạc ruột còn ở liều nguyên chất, nó có thể gây ngộ độc cấp tính, thậm chí là tử vong. Liều gây ngộ độc (LD50) của axit oxalic nguyên chất được ước tính là khoảng 378 mg/kg thể trọng (khoảng 22,68 g/người 60 kg).
– Khi kết hợp với các khoáng chất như sắt, canxi, magie, kali… trong ruột, các muối oxalat sẽ được tạo thành. Sự kết hợp này khiến cho quá trình hấp thu khoáng chất của cơ thể bị ngăn cản, dẫn đến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là khi có thêm chất xơ.
Axit oxalic là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận
– Thông thường, canxi cùng với một lượng nhỏ oxalat trong đường tiết niệu có thể vẫn hòa tan và không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên ở một số người, chúng lại liên kết với nhau và tạo thành tinh thể sỏi ở các cơ quan tiết niệu như thận, gan mật, tụy… hoặc đọng lại ở các khớp xương. Vấn đề này sẽ nghiêm trọng hơn nếu lượng nước tiểu thấp và lượng oxalat cao. Nếu sỏi nhỏ thì sẽ không gây ảnh hưởng gì nhưng nếu viên sỏi to, nó có thể gây buồn nôn, đau dữ dội và đi tiểu ra máu khi chúng đi qua đường tiết niệu.
Trong thực tế, có khoảng 80% sỏi thận được tạo thành từ canxi oxalate nên những người có tiền sử bị sỏi thận được khuyên là nên giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều oxalat. Tuy nhiên, đa phần oxalat có trong nước tiểu là do cơ thể sản xuất chứ không phải đến từ các loại thực phẩm nạp vào cơ thể.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ tiết niệu, người có lượng oxalate cao trong nước tiểu cần thực hiện một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt ít oxalat (dưới 50 mg mỗi ngày). Đặc biệt, những người này cần phải kiểm tra sức khỏe theo thời gian để tìm ra mức độ hạn chế. Đối với người bình thường, việc ăn rau củ quả, ngũ cốc có chứa axit oxalic tự nhiên với lượng bình thường khó có thể bị ngộ độc hay sỏi thận.
Ngoài những vấn đề trên, một số người cho rằng ăn nhiều thực phẩm chứa oxalat có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh như:
- Tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ.
- Gây suy nhược cơ thể.
- Chứng âm hộ, đặc trưng là đau âm đạo mãn tính không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên theo các kết quả nghiên cứu, những rối loạn này không liên quan đến oxalat có trong thực phẩm. Tuy nhiên, trong một thực nghiệm ở 59 phụ nữ bị chứng âm hộ được điều trị bằng cách ăn ít oxalat và tăng cường bổ sung canxi, gần ¼ trong số đó đã cải thiện được các triệu chứng. Các nhà nghiên cứu sau đó đã kết luận rằng, oxalat có trong chế độ ăn uống có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Ăn nhiều thực phẩm chứa axit oxalic không tốt cho sức khỏe
Một số vấn đề cần lưu ý trong bảo quản và sử dụng axit oxalic
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, khi bảo quản và sử dụng axit oxalic, các bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Trong bảo quản axit oxalic
– Bảo quản hóa chất ở trong bao bì kín và cất giữ ở những nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời và những nguồn có thể gây cháy. Ngoài ra, bạn cần phải giữ hóa chất này tránh xa các chất oxy hóa, bình xịt, chất gây ăn mòn.
– Tránh xa tầm tay trẻ em.
Trong sử dụng axit oxalic
Hiện nay, có một số cơ sở sản xuất bún, phở và các sản phẩm làm từ bột gạo sử dụng axit oxalic để tẩy trắng. Tuy nhiên, loại axit này không phải là chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử và nếu sử dụng những thực phẩm này, sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.
Axit oxalic là một loại axit hữu cơ có trong cơ thể người và một số loại thực vật. Khi sử dụng những loại thực phẩm chứa axit này, bạn có thể loại bỏ bớt bằng cách cắt nhỏ, xay, nghiền, nấu hoặc dùng chung thực phẩm chứa axit oxalic với những thực phẩm, thuốc có nhiều magiê, canxi, kali. Người có vấn đề về thận, mắc bệnh gút, thấp khớp,… cần hạn chế sử dụng những loại thực phẩm có chứa axit oxalic hàm lượng cao.
Trên đây là những thông tin về axit oxalic là gì mà đã tổng hợp lại để các bạn cùng tìm hiểu. Hy vọng rằng nó sẽ hữu ích với các bạn trong cuộc sống hàng ngày.