Xi phông đáy ao là phương pháp làm sạch nền đáy ao, từ đó giúp cải thiện chất lượng môi trường trong ao nuôi và tăng hiệu suất nuôi trồng thủy sản. Trong bài viết này, sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số phương pháp xi phông đáy ao đang sử dụng phổ biến hiện nay.
Xi phông đáy ao là gì
Xi phông đáy ao là gì
Xi phông hay còn gọi là xifong hoặc siphon. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ các thiết bị lưu thông chất lỏng. Những thiết bị này có thể được làm từ nhựa, sắt, thép, kính hoặc inox.
Xi phông đáy ao là hành động làm sạch đáy ao bằng cách hút các chất thải, thức ăn thừa, vỏ tôm,… ra khỏi ao nuôi với tần suất 2 – 3 lần một ngày. Với cách làm này, môi trường nước ao nuôi tôm sẽ duy trì được các chỉ số ở mức ổn đinh, nước sạch sẽ, không chứa các mầm bệnh gây hại cho tôm. Từ đó giúp bà con nuôi tôm có một vụ nuôi năng suất, an toàn.
Xi phông đáy ao mang lại những lợi ích gì?
Việc xi phong đáy ao tôm mang lại rất nhiều lợi ích cho vụ nuôi. Cụ thể như sau:
Loại bỏ các chất thải trong ao
Khu vực nền đáy ao là nơi tích tụ của rất nhiều loại chất thải như phân tôm, thức ăn thừa, vỏ tôm lột, xác chết của các loài động, thực vật phù du,… Những chất thải này khi phân hủy sẽ sản sinh ra các chất khí độc hại như NH3, NO2, H2S,… gây ảnh hưởng đến xấu sức khỏe của tôm, thậm chí còn khiến tôm chết hàng loạt. Để giải quyết vấn đề này, bà con thường tạt men vi sinh xuống ao để giảm hàm lượng khí độc trong ao. Tuy nhiên, cách này chỉ giải quyết phần ngọn mà không xử lý được triệt để phần gốc.
Xi phông không chỉ là giải pháp “phòng bệnh” mà nó còn là cách giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh cho tôm. Việc thường xuyên xi phong đáy ao tôm sẽ giúp cho nước ao luôn sạch sẽ, không chứa các chất thải gây hại cho tôm.
Giúp tôm sinh trưởng khỏe mạnh, ít bệnh tật
Trong các ao nuôi tôm công nghệ cao luôn có hệ thống xi phông. Với mật độ tôm nuôi dày, khoảng 150 – 300 con/m2, nếu có 1 con tôm mắc bệnh thì khả năng lây lan bệnh dịch trong ao sẽ rất cao. Chính vì vậy mà bà con nuôi tôm cần tiến hành xi phong đáy ao định kỳ để giúp cho nước nuôi tôm luôn sạch sẽ, từ đó giúp làm giảm tỷ lệ dịch bệnh trên tôm. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Tôm khỏe mạnh, ít bệnh tật
Tiết kiệm chi phí về lâu dài
Nhờ có các hố xi phông mà việc hút bùn đáy ao trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần vặn van, áp lực nước sẽ đẩy hết các chất thải dưới đáy ao và tôm yếu ra bể chất thải mà không cần dùng đến motor tơ bơm ly tâm để hút chất thải ra ngoài.
Tuy chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống xi phông này khá cao nhưng bù lại, hệ thống này có thể sử dụng lâu dài. Nó cũng giúp làm giảm đi các chi phí làm sạch bùn đáy ao và giảm được chi phí chữa bệnh cho tôm nhờ tránh được rủi ro dịch bệnh.
3 loại hình xi phong đáy ao phổ chủ yếu hiện nay
Nhiều người cho rằng chỉ có một cách để xi phong đáy ao nhưng thực tế lại có khá nhiều cách. Trong đó có 3 cách xi phông đáy ao đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Đó là:
Dùng máy xi phong tự động
– Ao sử dụng
- Ao không có sẵn hố xi phông.
- Diện tích ao nuôi lớn, trên 2500m2.
- Đáy ao không bằng phẳng.
– Hướng dẫn lắp đặt
- Chuẩn bị 2 đường ống nhựa đường kính 10 – 20cm, dài 1 – 1,2m và nối với nhau thành hình chữ T.
- Khoan nhiều lỗ nhỏ ở đầu chữ T với kích thước to bằng kích cỡ tôm nuôi trong ao.
- Gắn phần cuối chữ T vào đầu hút nước của máy bơm ly tâm.
- Nối bơm ly tâm với trục nối dài của Motor hoặc động cơ nổ dùng xăng.
- Khi xi phông, chất thải và bùn sẽ đi theo đầu chữ T rồi thoát ra bên ngoài theo ống nước của máy bơm.
Đối với máy xi phông tự động, việc thiết kế ao nuôi cần được chú ý. Các quạt nước cần được bố trí phù hợp để có thể gom được hết các chất thải vào một vị trí nhất định. Sau khi xi phong xong, bà con cần cấp nước thêm cho ao nuôi và đưa các chất thải vào nơi quy định, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Phương pháp xi phông này có ưu điểm là:
- Hút được bùn của chất thải.
- Khi hoạt động, tôm không bị hút vào bơm ly tâm.
- Bùn và chất thải sẽ theo đầu chữ T rồi thoát ra ngoài theo ống thoát nước của bơm ly tâm.
Dùng máy xi phong đặt trên bờ
Sử dụng máy xi phong đáy ao đặt trên bờ
Đây cũng là một cách xi phông đáy ao tôm được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Cụ thể như sau:
– Ao sử dụng
- Ao nuôi có xây dựng hố gom chất thải.
- Ao đất có lót bạt phần hố xi phong.
- Ao nuôi có lót bạt.
– Hướng dẫn lắp đặt
- Đào một hố sâu khoảng 80 cm trước khi cấp nước vào ao, sau đó lấy bạt trải hết phần đáy hố và thành hố
- Đế tiết kiệm chi phí trải bạt và đảm bảo hiệu quả xi phông, bà con hãy cố định phần mép bạt bằng thanh tre và chôn sau khoảng 20cm.
- Trên bờ ao nuôi đặt một motor khoảng 2 – 3 HP, sau đó lắp một ống nhựa PVC đường kính 60cm nối từ motor đến giữa ao để hút chất thải.
- Sử dụng tầm vông để giữ ống nhựa PVC nổi trên mặt nước khoảng 20 – 30cm.
- Phần đầu hút xi phong gắn vào ống gắn mềm để có thể dễ dàng vận hành và di chuyển.
- Dùng ống vải nối từ phần motor đến ao chứa thải để cuộn chất thải được dễ dàng hơn và dễ sử dụng cho nhiều ao.
- Khi tôm đạt trọng lường từ 2g trở lên, bà con có thể tiến hành xi phong đáy ao. Ngồi trên thuyền hoặc phao để di chuyển đầu xi phong đến vị trí chứa chất thải. Trong trường hợp xi phong thường xuyên, bà con có thể lội xuống dưới ao mà không gây ảnh hưởng gì. Cách này cũng giúp bà con dễ dàng kiểm tra mức độ sạch, bẩn của đáy ao.
Với mỗi hố, việc xi phông nên được thực hiện vào buổi sáng trong khoảng 30 – 60 phút. Phần nước hao hụt ở mỗi ao sau quá trình này là khoảng 2% và bà con cần cấp lại phần nước này.
Dùng van tự động
Ưu điểm của van tự động là không cần dùng đến động cơ bơm ly tâm do áp lực nước lớn sẽ đẩy hết chất thải ra bên ngoài đáy ao. Hơn nữa, phương pháp này cũng khá là tiết kiệm và việc quản lý thì cũng dễ dàng hơn so 2 cách trên.
– Ao sử dụng
- Diện tích ao nhỏ hơn 2500m2
- Ao có hố xi phong.
- Ao nuôi có lót bạt.
- Ao đất nhưng có đổ bên tông cho hố.
– Hướng dẫn lắp đặt
- Thiết kế hố xi phong có dạng hình chóp nón. Với những ao nuôi tôm có diện tích từ 2000 – 2500m2, khoảng cách từ miệng hố đến đáy hố là khoảng 50cm, đường kính 2m.
- Ở giữa hố xi phong có ghép nối với một ống nhựa PVP phi 75, có bịt lưới đầu ống đủ để hút chất thải dưới đáy nhưng không để tôm lọt qua được.
- Chôn đường ống hút dưới đất để tránh các ảnh hưởng lúc cải tạo. Cuối ống nhựa lắp một van để xả bỏ chất thải.
- Sau khi thả tôm, chất thải sẽ tích tụ trong hố xi phong. Tùy vào mật độ tôm nuôi và lượng chất thải trong ao mà thời gian xi phong đáy ao sẽ được cân đối. Nên rút 2 hoặc 3 lần chỉ từ 1 – 2 phút, sau đó cấp lại lượng nước bằng đúng lượng nước đã hao hụt trong quá trình xi phong trước đó.
- Cuối mỗi vụ nuôi tôm, bà con cần hút sạch bùn đất có trong đường ống để tránh tình trạng tắc nghẽn trong ống.
Tùy vào điều kiện ao nuôi mà bà con có thể áp dụng 1 trong 3 loại hình trên một cách phù hợp.
Một vài vấn đề cần lưu ý khi xi phông đáy ao
Khi thực hiện quá trình xi phong đáy ao, có một số lưu ý quan trọng mà bà con cần xem xét để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho hệ thống nuôi tôm và môi trường xung quanh. Đó là:
- Hệ thống xi phông cần được thiết kế sao cho phù hợp với kích thước và cấu trúc của ao nuôi. Bà con cần xác định kích thước, vị trí lắp đặt và số lượng xi phông cần thiết để đảm bảo hiệu quả của việc cải thiện chất lượng nước và môi trường sống cho tôm.
- Chọn lựa loại vật liệu phù hợp, cụ thể là chọn các vật liệu không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường nước như nhựa PVC hoặc các vật liệu không gỉ.
Chọn loại vật liệu an toàn cho môi trường nước ao tôm
- Định kỳ thực hiện việc vệ sinh cho hệ thống xi phông để ngăn chặn sự tích tụ và phát triển của bùn đáy và tảo. Việc này không chỉ giúp đảm bảo hiệu suất hoạt động của hệ thống xi phông mà còn ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường nước.
- Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống xi phông để phát hiện và khắc phục sớm các sự cố, đảm bảo rằng hệ thống luôn hoạt động một cách hiệu quả và an toàn.
- Luôn theo dõi tình hình chất lượng nước trong ao nuôi để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống xi phông, từ đó có những điều chỉnh cần thiết. Điều này có thể bao gồm việc đo đạc mức độ oxy hòa tan, độ pH, hàm lượng khí ammonia, nitrit, nitrat và các chỉ số khác.
- Sau khi xi phong đáy ao xong, có nhiều trường hợp chất thải ra ngoài có mùi hôi thối là do phân tôm, vỏ tôm, thức ăn thừa bị phân hủy trong điều kiện yếm khí và tạo ra khí H2S có mùi trừng thối. Để hạn chế tình trạng này, bà con cần định kỳ bổ sung men vi sinh để phân hủy và xử lý mùn bã dư thừa dưới đáy ao nuôi. Cách này cũng giúp cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong nền đáy ao, từ đó làm giảm sự phát triển của vi sinh vật và ký sinh trùng gây hại.
Nói tóm lại, việc xi phong đáy ao là rất cần thiết đối với các ao tôm. Việc xi phong định kỳ sẽ giúp giữ cho môi trường nước ao luôn sạch sẽ, ổn định các chỉ số như độ mặn, độ pH, hàm lượng khí oxy, độ đục,… để tôm có điều kiện phát triển khỏe mạnh, sạch bệnh.